Năm 2023
Tóm tắt
- Chuyển nhà mới, sang gần hồ Gươm. Thuê nhà rẻ, nhưng có giá.
- Việc mới (FTECH), nhiều mối quan hệ mới.
- Nhiều trải nghiệm mới (Board game, Nhảy việc, Chuyển nhà, Có bàn làm việc riêng, Du lịch với hội) .
- Truyện Kiều: 1700/3254; Geoguessor: Xong flags, vẫn đang thêm tính chất từng nước một; Tiếng Pháp: Vẫn bập bõm; Vẽ: Lười, ngồi học Human Anatomy.
Năm nay là năm đầu tiên tiếp xúc với bên ngoài.
Kết luận?
Bản thân tự thấy mình là người đề cao cá nhân, sống độc lập, thậm chí cổ súy cho lối sống cô độc. Tuy nhiên, đấy là suy nghĩ của lý trí. Phần bản năng vẫn còn nhiều niềm tin sai lệch. Đơn giản như vấn đề quan tâm đến suy nghĩ người khác, đã chứng tỏ sự sai lệch. Mất hàng chục năm đầu học để quan tâm, lại mất chục năm nữa học để không quan tâm. Do những niềm tin này được tiếp thu và chấp nhận thụ động mà không có đánh giá cẩn thận. Để giải quyết vấn đề này, có thể tham khảo “luật (1)” mà Descartes tuân theo trong Discorse on the method:
Never accept anything as true if I didn’t have evident knowledge of its truth
và:
I decided to pretend that everything that had ever entered my mind was no more true than the illusions of my dreams
Tóm lại, theo tôi, Descartes khuyên: Để tìm kiếm sự thật (mà sự thật sẽ dẫn đến hành động đúng đắn), cần lọc bỏ hết các niềm tin sai lầm bên trong để chỉ tiếp nhận những niềm tin thực sự đúng. Các tri thức sau này được xây dựng từ những sự thật đúng sẽ luôn đúng.
Từ những niềm tin bản năng sai lệch đó, hiện tại hành động không đồng nhất với suy nghĩ. Theo ‘tư duy nhanh chậm’ của Daniel Kahneman, hai phương thức tư duy:
“Hệ thống 1” nhanh chóng, bản năng và cảm xúc; “Hệ thống 2” chậm hơn, có chủ ý hơn và hợp lý hơn.
Hành động là biểu hiện của hệ thống số 1, suy nghĩ là biểu hiện của hệ thống số 2. Sau một thời gian, những tư tưởng của hệ thống số 2 sẽ ngấm vào hệ thống 1, và con người ta thực hiện các niềm tin của hệ thống 2 theo bản năng. Với kinh nghiệm trong năm nay, có vẻ hệ thống số 1 cần thời gian khá dài để tiếp nhận từ hệ thống số 2. Năm tiếp theo cần tập trung phát triển hệ thống số 1 và hạn chế sự phát triển nhanh của hệ thống số 2.
“Ta thà phụ người chứ quyết không để người phụ ta” - Tào Tháo
“Nàng rằng thề thốt nặng lời
Có đâu mà lại ra người hiểm sâu” - Truyện Kiều (1167-1168)
Niềm tin làm mình mờ mắt trước hai kết quả có thể (tích cực và tiêu cực). Giữa năm mình được nếm một trái đắng cho sự quá tin tưởng người khác. Trước một sự kiện mình không thể kiểm soát, kết quả luôn là 50/50. Cần phải gạt bỏ các yếu tố không liên quan đến sự kiện hiện tại (cụ thể như: lời nói, lời hứa, lời vân vân) để chuẩn bị cho kết quả. Ngẫm lại câu chuyện của Tào Tháo và Lã Bá Sa, bài học đắt giá (đã phải trả giá) của 2023 cũng chỉ là một hệ quả của lời Tào Tháo: “Đồng minh duy nhất của bản thân là bản thân”. Với ai đang đọc bài này, tôi khuyên như một giáo viên tiếng Anh: “Học thuộc mà dùng về sau”.
Nhiệt tình giao tiếp (giao tiếp ở đây định nghĩa là giao tiếp hiệu quả, nói đúng, ngắn gọn và có lợi ích) đem lại rất nhiều lợi thế.
Giao tiếp là kỹ năng, không phụ thuộc vào tính cách, có thể học như toán.
Hai tốt hơn một, nhưng ba không tốt hơn hai quá nhiều. Cái này rút ra từ trải nghiệm của bản thân trong việc quan sát nhiều sự kiện về sự tương quan giữa số lượng và độ hiệu quả. Về mặt toán học cũng là hoàn toàn chính xác (2 gấp đôi 1, nhưng 3 chỉ gấp 1.5 lần 2).
Lan man
“Time is a flat circle. Everything we’ve ever done or will do, we’re gonna do over and over and over and over again … for- ever.” - Rust Cohle (True Detective)
Thi thoảng nghĩ đến những việc đã qua đi, tôi cảm tưởng rằng thời gian không tồn tại. Như những nhân vật 2D, chúng ta chỉ là những trang giấy vẽ 3D đè lên nhau và lật liên tục, như người ta vẫn làm phim hoạt hình từ những ngày đầu. Vậy nên, cứ mỗi trang, chúng ta lại là một hình vẽ khác với thứ trong trang vẽ cũ. Thực sự, chúng ta tồn tại mà không có quá khứ, tồn tại mà không có cái tôi. Cái tôi (self) chỉ là một ảo ảnh, một ý nghĩ đánh lừa chính chủ thể tạo ra nó. Chúng ta chỉ có hiện tại.
Về mặt sinh học, đôi mắt của con người không phải hoàn hảo. Tuy nhiên, thế giới của chúng ta phần lớn được tiếp thu bởi đôi mắt. Thứ mà chúng ta thấy (mà ta coi như tất cả) thực sự chỉ là một phần quá bé, mang tính chủ quan của con người và rất có thể không thật. Có thể đối với thần thánh (hay Người quan sát - người đứng ngoài tất cả), chúng ta chỉ là những khối phi hình, phi tính lôi kéo theo rất nhiều trạng thái. Cứ mỗi phút giây (hay một trang vẽ được lật), ta lại phải cùm gông thêm thật nhiều thứ. Mọi thứ đều có giới hạn. Khi số lượng trạng thái đã bão hòa, cả hệ thống sẽ đi đến sụp đổ, dây xích với các trạng thái sẽ đứt và chúng ta sẽ trở về trạng thái nguyên bản với 0 trạng thái (điều này giải thích tại sao chúng ta biến mất, không phải do thời gian làm già đi, mà do bị gắn quá nhiều trạng thái, và khi tất cả các trạng thái đứt ra, chúng ta vẫn là thứ đó, nhưng đã mất đi tất cả). Quả thực giống như Sisyphus lăn đá. Theo Albert Camus: “One must imagine Sisyphus happy”.
Beauty will save the world. - Dostoevsky
Cái đẹp mang tính chủ quan. Lấy bản thân làm ví dụ, trước khi tìm hiểu về nghệ thuật thế giới, tôi rất thích các bức tranh impressionism của Monet. Nhưng sau này mới biết rằng: phong trào này mới đầu bị tẩy chay, và chỉ được từ từ chấp nhận sau đó. Vậy tại sao ban đầu những người tác phẩm này lại bị chỉ trích? Có thể do định kiến về cái đẹp có sẵn. Thời kỳ 1800s, cái đẹp đồng nghĩa với sự rõ ràng, cẩn thận và sắc nét như những tác phẩm của những bậc thầy Rembrandt, Caravaggio.
Có 2 loại người sẽ thưởng thức 1 tác phẩm trọn vẹn nhất: người có 0 kiến thức về lịch sử cái đẹp, và người hiểu biết toàn bộ lịch sử cái đẹp (biết rằng cái đẹp của con người thay đổi theo thời kỳ, có thể không đồng nhất với cái đẹp tối thượng).
Thế nào là cái đẹp tối thượng? Chúng ta có thể có một chút ý niệm trong sự sắp xếp của thiên nhiên. Thiên nhiên luôn thiên vị sự đối xứng. Đối xứng có thể là một trong những điều kiện của cái đẹp. Tuy nhiên, tôi cho rằng: không một sinh vật nào được tạo ra bởi Đấng sáng thế sẽ biết về cái đẹp tối thượng. Vì chúng ta là những sinh vật có nhiều khuyết điểm, cái đẹp của chúng ta tìm ra cũng sẽ có khuyết điểm. Trong những thứ khiếm khuyết như thế, ta không bao giờ tìm thấy gì hơn ngoài những thứ khiếm khuyết khác. Cái đẹp tối thượng không thể ẩn chứa trong những sự yếu kém ấy. Vậy nên, đi tìm cái đẹp tối thượng thực sự là vô ích, là vô vọng, như đang đi trong màn đêm tối, mỗi bước đi là thêm một sự không chắc chắn. Trải qua các thời kỳ, cái đẹp vẫn luôn thay đổi, đến mức giờ đây, chúng ta không dám chê một cái rẻ rách là phi nghệ thuật. Tuy nhiên, dù lần bước trong đêm tối, chúng ta vẫn phải đi, giống như biết rằng cuộc đời không hề có ý nghĩa, chúng ta vẫn sống. Luôn luôn cần thui rèn tính thẩm mỹ. Dù sao thì, bước đi trong đêm tối vẫn hơn dừng chân tại chỗ. Sống mà đi tìm thứ ý nghĩa có thể không tồn tại vẫn tốt hơn.
Tôi chia quan điểm của con người về tình yêu thành 2 trường phái: tích cực và bi quan. Trong ‘Xa cách’ (Xuân Diệu) có đoạn:
Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.
Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em; anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.
thể hiện quan niệm u ám về tình yêu. Tình yêu kích thích sự chiếm đoạt. Tuy vậy, mỗi người lại là một vũ trụ vô tận, nơi mình ta cô đơn lạc bầy. Việc vượt qua ‘Vạn Lý Trường Thành’ của người khác là không thể, vậy nên sự chiếm đoạt hoàn toàn không bao giờ xảy ra. Con người sẽ luôn bứt rứt trong tình yêu, và kết thúc của nó luôn là đau khổ.
Nguyễn Huy Thiệp viết:
…Khi thượng đế sinh anh ra là đàn ông, chị là đàn bà tức là đã đặt giả thuyết cho cuộc đời anh chị… Khi còn trẻ, cái mà chúng ta gọi là tình yêu thực sự chỉ là bản năng tình dục. Do thiếu kinh nghiệm sống, người ta đã đặt vào đấy quá nhiều hy vọng hay lý tưởng sống, bởi thế bị kịch sẽ là tất yếu cho tất cả mọi tình yêu’.
Điều này đặc biệt đúng trong việc cân nhắc chọn lựa bạn đời. Nam chọn nữ, nữ chọn nam. Chỉ một phần rất nhỏ do ảnh hưởng của đột biến mà ngược lại. Điều gì thôi thúc một người tìm đến người có giới tính đối lập? há chẳng phải do sự ham muốn ái ân. Người bình thường sẽ chẳng lựa chọn người cùng giới tính, cho dù người ấy có hợp ta đến đâu. Sự hòa quyện linh hồn bị ngăn chặn bởi bản năng cũng chỉ vì có vậy.
Với tôi, có thể ví tình yêu hiện tại là một quá trình đi lên những bậc thang, nhưng nấc thang cuối cùng không phải là đích đến mà là một ngõ cụt. Bạn chỉ có thể quay lại hoặc rơi xuống. Rơi xuống hoặc quay lại, hai hành động đều có cùng mục đích nhưng chỉ khác nhau về tốc độ. Có người sẽ kết thúc nó nhanh chóng, có người sẽ chịu đựng nó trong một thời gian dài. Kết quả cuối cùng không thể thay đổi.
2024
“Where many opinions were equally well accepted, I chose only the most moderate, both because
(1) these are always the most convenient in practice, and probably the best (excess being usually bad),
and also so that
(2) if I made a mistake, it wouldn’t take me as far from the right path as if I had chosen one extreme when I ought to have adopted the other.”
Nói chung, tôi theo tư tưởng của Descartes trong năm nay. Khi mọi hướng đều tốt, hãy đi theo hướng có nhiều người đi nhất.
2024 mình muốn:
- Đọc xong human anatomy, bắt đầu sử dụng màu sắc để vẽ, đọc về interior design.
- Có 1 bằng tiếng Pháp
- Xốc lại kiến thức về hóa học, vật lý, lịch sử vân vân mây mây
- Hoàn thành 1/nhiều nhiều project có ích.
- Hết ADHD :))
bài tổng hợp thể hiện thiên kiến nặng với Descartes, thế giới quan nhỏ hẹp và tầm nhìn hạn chế!